Nhiều phụ huynh tin rằng, cứ “để mặc cho con khóc” thì đứa trẻ sẽ tự nín, đây cũng là cách để đứa trẻ từ bỏ được thói quen làm nũng, ăn vạ nhưng gần đây đã có trường hợp tím tái, bất tỉnh vì khóc quá lâu phải nhập viện. Bỏ mặc không được, chiều chuộng không được, vậy cha mẹ phải làm sao?
Cần làm gì khi trẻ gào khóc, ăn vạ?
Theo chuyên viên tâm lý Lê Khanh – phòng tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em (TP HCM), việc để mặc cho trẻ khóc do những đòi hỏi vô lý mà mẹ không đáp ứng, nuông chiều là đúng nhưng chưa đủ. Đó chỉ là bước 2 trong một chuỗi các bước phải vận dụng. Đầy đủ các bước mẹ nên làm khi trẻ quấy khóc, ăn vạ như sau:
- Bước 1: Khi trẻ bắt đầu ăn vạ thì lùi ra.
- Bước 2: Bỏ mặc một thời gian ngắn.
- Bước 3: Đánh lạc hướng để thu hút trẻ vào các hoạt động khác mà trẻ có hứng thú.
- Bước 4: Tác động nhẹ nhàng, vỗ lưng, cho uống nước để trẻ “hạ hỏa”. Chứ không phải cứ để mặc với hy vọng là trẻ khóc chán rồi thì thôi.
Đồng thời, mẹ cũng không nên bế dỗ ngay, trừ khi biết chắc là trẻ khóc, kêu vì các nguyên nhân chính đáng như khó chịu vì ốm, lo sợ… Nếu trẻ bị vấp té vì mải chơi, bị đau vì chạy va đầu vào cạnh bàn… cha mẹ không nên tỏ ra hốt hoảng, chạy đến ôm ấp suýt xoa ngay. Vì hành động này sẽ là nguyên do dẫn đến sự bật khóc, thậm chí là gào khóc ngay, vì trẻ thấy rằng đã thu hút được sự chú ý của mẹ.
Bạn hãy xem phản ứng của trẻ, đôi khi trẻ sẽ tự đứng lên hay xoa đầu mà không có thêm phản ứng gì, nếu như thế thì cứ bỏ qua và trẻ cũng sẽ quên luôn. Nếu trẻ bắt đầu bật khóc, bạn không nên chạy lại để “đánh” đồ vật vì làm trẻ ngã, hay “phạt” cái bàn vì làm trẻ đau. Đó là sự đổ thừa mà trẻ sẽ mau chóng tiếp thu và sẽ áp dụng sau này cho các lỗi lầm của mình.
Cũng theo chuyên gia Lê Khanh, việc trẻ gào khóc chỉ để lại một kinh nghiệm cho trẻ là phải gào khóc thì bố mẹ mới quan tâm đến mình và gào khóc càng lớn sự quan tâm sẽ đến càng nhanh. Ngay khi trẻ bắt đầu có sự đòi hỏi, nhõng nhẽo thì chúng ta phải nhẹ nhàng quan tâm và tạo cho trẻ sự vui vẻ nhưng lại có thái độ cương quyết từ chối các yêu cầu. Đồng thời, chuyển hướng ngay sự chú ý của trẻ sang vấn đề khác.
Nếu trẻ cứ nằng nặc đòi hỏi, lúc đó mới bắt đầu tiến hành các biện pháp can thiệp theo từng bước một, không để cho trẻ có cơ hội kéo dài quá lâu tình trạng gào khóc, có khả năng đưa đến những phản ứng quá khích, tiêu cực. Còn với những trẻ hay nhõng nhẽo, thường xuyên ăn vạ thì cần phải quan tâm đến tính cách, năng lực và sở thích của trẻ, để dựa vào đó tiến hành những biện pháp dài hơi hơn để trị liệu cho trẻ bỏ dần thói quen này, không tạo thành tính cách xấu khi trẻ lớn lên.
Trả lời