Bé nhà bạn đã được 6 tháng tuổi. Vậy là bạn đã cùng song hành với bé một quãng thời gian nửa năm rồi. Lúc này bạn đã dần quen với công việc làm mẹ. Bé yêu nhà bạn đã bước sang một giai đoạn mới. Mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây xem có những lưu ý gì về việc chăm sóc bé 6 tháng tuổi nhé!
1. Sự phát triển của trẻ.
Ở tháng này bé nhà bạn đã có thể tự ngồi thẳng lưng dù chỉ được 1 lúc. Một số bé đã có thể đứng vững trên đôi chân của mình khi có người lớn giữ.
Thời điểm này nhiều em bé cũng sẽ bắt đầu mọc răng. Vậy nên bạn hãy kiểm tra lợi của bé để xem có gì khác thường không. Chiếc răng đầu tiên xuất hiện thường là răng cửa hàm dưới. Khi bé đã có 1, 2 chiếc răng, bạn hãy chú ý chăm sóc vệ sinh răng cho bé bằng một chiếc khăn ướt mỗi ngày. Khi bé mọc răng cũng là lúc bé dễ bị sốt và quấy khóc. Mẹ nên để ý và quan tâm bé hơn nhé.
Giai đoạn này bé cũng đã cứng cáp hơn, mẹ có thể thường xuyên cho bé ra ngoài hơn trước. Nhưng mẹ nhớ nên ăn mặc phù hợp với thời tiết và chuẩn bị thật cẩn thật đồ cần thiết đem theo cho bé nhé.
2. Dinh dưỡng phù hợp.
Bé được 6 tháng là mẹ bắt đầu cho trẻ ăn dặm được rồi nhé. Một trong những món ăn dặm đầu tiên của bé có thể kể đến đó là cháo trắng xay hoặc rây mịn, bột ngũ cốc. Mẹ có thể cho bé nếm thêm vị các loại hoa quả như táo, lê, các loại đậu, khoai lang…để bổ sung vitamin và chất sắt cho trẻ. Khi mới bắt đầu, chỉ nên cho bé ăn một lượng nhỏ để bé làm quen, và mỗi ngày 1 bữa, sau đó mẹ có thể nâng số lượng bữa ăn dặm lên 2bữa/ngày. Điều này giúp trẻ bắt đầu quen dần với việc ăn dặm.
Ngoài ra bạn vẫn cần cho bé bú sữa mẹ. Vì sữa vẫn là thức ăn chính trong chế độ dinh dưỡng của bé. Bạn hãy cho bé bú trước khi cho con ăn dặm nhé.
3. Giấc ngủ của trẻ
Bé vẫn cần khoảng 3 giấc ngủ vào ban ngày kéo dài từ 1 – 3 tiếng. Và bé đã bắt đầu ngủ sâu giấc hơn vào ban đêm từ 8 – 10 tiếng/mỗi đêm. Các mẹ cũng sẽ nhàn hơn khi không phải thức đêm cùng con nữa.
Ban ngày mẹ nên để bé ngủ trong điều kiện ánh sáng và có tiếng động để bé có thể phân biệt được ngày và đêm. Tránh tình trạng nhiều bé bị loạn giấc ngủ, ngủ nhiều về ban ngày và thức vào ban đêm, khiến mẹ vô cùng mệt mỏi.
4. Hoạt động của trẻ.
Bạn nên mua các loại đồ chơi bằng vải mềm và nhiều màu sắc, vừa phải cho bé. Bạn có thể mua những bộ đồ chơi xếp hình, gấu bông hay búp bê cỡ nhỏ để bé chơi. Ngoài ra mẹ hãy sắm thêm những loại đồ chơi phát ra âm thanh như chuông gió, để tạo sự kích thích cho trẻ.
Giai đoạn này các bé rất hay đưa tay vào miêng nên bạn cần phải vệ sinh tay chân và miệng bé thường xuyên hơn nhé. Tâm lý của bé cũng đã dần hình thành và có những biểu cảm cực đáng yêu. Tiếng ê a của trẻ cũng tròn vành rõ tiếng hơn. Hãy nói chuyện nhiều với trẻ để kích thích mọi giác quan của bé được phát triển tốt hơn.
Bé cũng cần có những khoảng thời gian yên tĩnh, thư giãn một mình. Nên khi bé vui vẻ, sảng khoái và chơi, thì bạn hãy để bé một mình nằm ngắm món đồ chơi nào đó, tự bé sẽ tạo ra niềm vui cho chính mình. Điều này giúp bé hình thành một kỹ năng sống rất tốt ngay từ bây giờ.
5. Giữ gìn sức khỏe của trẻ.
Mẹ hãy thường xuyên đưa trẻ đi dạo phố, ra công viên… vào mỗi buổi sáng hoặc chiều tối nhé. Lúc này, nhiệt độ và không khí bên ngoài đã ổn định và thoáng mát hơn. Để trẻ ra ngoài tiếp xúc với môi trường xung quanh là điều bạn nên làm trong thời gian này. Qua đó, trẻ sẽ nhận thức được nhiều thứ xung quanh hơn. Không khí thoáng mát bên ngoài chắc hẳn sẽ khiến trẻ thích thú hơn là mãi ở trong phòng ngủ trật trội.
Mẹ cũng lưu ý nhớ đưa trẻ đi tiêm phòng khi có đợt tiêm phòng. Vì bé đã bắt đầu ăn dặm, nhưng hệ tiêu hóa của bé còn rất non yếu nên bé dễ bị dị ứng thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, và dễ mắc các bệnh: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn, viêm não Nhật Bản, bệnh tay-chân-miệng. Để phòng bệnh, bố mẹ cần lưu ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất, giữ vệ sinh nhà cửa và vệ sinh cá nhân của bé sạch sẽ. Khi bé có những biểu hiện của bệnh, bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế.
Mẹ hãy để ý đến tâm trạng của bé và theo dõi sự phát triển hàng ngày của trẻ. Nếu trẻ có những biểu hiện bất thường như phản ứng chậm, hay bỏ bữa, quấy khóc quá mức,…nên đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra xem bé có gặp vấn đề gì không nhé.
Bạn cũng cần giữ gìn cho mình một sức khỏe thật tốt và tâm trạng thoải mái. Nếu bạn đã quay lại với công việc của mình, hãy đảm bảo thời gian dành cho bé là vừa đủ và hợp lý. Vì người mẹ vẫn là chất xúc tác quan trọng nhất cho sự phát triển của đứa trẻ.
Trả lời