1. Sự phát triển của trẻ
Bước sáng tháng thứ 2, các giác quan của bé đang trong quá trình hoàn thiện. Mắt của bé đã có thể nhìn thấy những vật ở khoảng cách xa hơn. Bé có thể phân biệt được hai màu đen và trắng.
Thính giác của bé cũng đã hoàn thiện hơn so với lúc 1 tháng tuổi rất nhiều. Vì vậy bé thường hay có phản xạ ngoảnh mặt về phía có phát ra âm thanh. Bé cũng đã có thể bập bẹ vài tiếng “ê…a”. Hãy đáp trả lại bé bằng cách nói chuyện nhiều hơn, cười và có những biểu cảm gương mặt để bé có thể nhận biết. Nên mua thêm những thứ đồ chơi có khả năng phát ra âm thanh hoặc di chuyển để kích thích các giác quan của bé hơn nhé.
Bé 2 tháng tuổi đã có thể kiểm soát cơ thể của mình nhiều hơn. Lúc này trẻ đã có thể giữ đầu và cơ thể được thẳng hơn. Khi nằm sấp bé đã có thể tự ngẩng đầu lên hoặc không chịu nằm yên một chỗ như trước nữa. Do đó mẹ hãy tập cho bé các vận động của tay và chân. Mẹ có thể tập cho bé các động tác giơ tay và chân lên trên khi bé nằm ngửa. Bé sẽ nắm chặt lấy tay bạn. Thỉnh thoảng bé ngoe nguẩy cẳng chân như muốn đá. Hãy thường xuyên đưa một vài món đồ chơi nhỏ dễ cầm đưa cho bé. Tập cho bé động tác cầm nắm.
Nhiều bé sẽ quấy khóc hơn vì thần kinh của bé đã phát triển hơn trước. Bé quấy khóc vì nhiều lý do: đói, ướt tã, khó chịu, cô đơn, hay đơn giản là gây sự chú ý… Nếu đó là nhu cầu chính đáng thì mẹ hãy vỗ về bé. Nhưng mẹ cũng lưu ý để tránh làm bé có thói quen quấy khóc. Mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân khóc của trẻ trước và có những cách ứng xử khéo léo phù hợp.
2. Giấc ngủ của trẻ
Thời gian này hầu hết các bé đã dần đi vào quỹ đạo sinh hoạt cùng với gia đình. Mẹ lưu ý không nên cho bé nằm sấp khi ngủ trong thời gian này. Vì trẻ 2 tháng chưa biết lật người nên sẽ rất dễ dẫn đến chứng đột tử trẻ sơ sinh. Vào ban ngày nếu bé nằm sấp thì phải có sự dám sát của bạn bên cạnh. Mẹ cũng lưu ý các món đồ chơi của bé. Không nên mua các loại gấu bông quá to so với cơ thể của bé. Trong lúc bé ngủ cũng cần loại bỏ gối, chăn bông dày ra khỏi giường để tránh những đồ vật đó sẽ đè lên người và khiến bé ngạt thở.
3. Chế độ dinh dưỡng
Lượng dinh dưỡng cung cấp vào cơ thể bé cũng nhiều hơn so với trước. Lúc này bé cũng đòi ti đêm nhiều hơn. Vì vậy, hãy chú ý giờ giấc ăn uống của con. Không để bé bị đói mà cũng giữ được giấc ngủ cho mẹ nhé.
4. Tiêm chủng vắc xin
Đây là công việc bạn không thể lơ là đối với việc chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi. Đây là thời điểm nhạy cảm bé rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc nhiễm các loại virut. Vì vậy mẹ nhớ đưa bé đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.
5. Đảm bảo an toàn cho trẻ
Mẹ tuyệt đối không để con nằm 1 mình ở sàn nhà hoặc trên giường khi bé còn thức. Không đặt bé cạnh các vật sắc nhọn hoặc những loại đồ chơi mềm cỡ lớn như gấu bông, gối… Tránh để những hạt nhỏ, những vật dụng nguy hiểm như pin tiểu, cúc áo….gần tầm tay trẻ vì trẻ có thể dễ dàng cho vào miệng gây hóc dị vật và nguy hiểm tính mạng trẻ.
Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh, cùng con khôn lớn mỗi ngày nha!
Trả lời