Đến giai đoạn 9 tháng tuổi, bé của bạn đã cực kì hiếu động. Có đôi lúc bạn sẽ cảm thấy mình không thể kiểm soát được chúng. Giai đoạn này cũng khiến nhiều bà mẹ cảm thấy mệt mỏi và bận rộn hơn vì luôn phải để mắt tới con. Mẹ hãy ghi nhớ những lưu ý dưới đây để việc chăm sóc bé trở nên dễ dàng và thoải mái hơn cho mình.
1. Sự phát triển của trẻ
Giai đoạn này nhiều bé đã có thể bước những bước đi đầu đời. Bạn nên khuyến khích cho bé bò đi nhanh hơn hoặc tập cho bé bước những bước vững hơn. Bé bắt đầu đưa tay ra với lấy những món đồ chơi ở trên cao. Bé cũng có thể tự dùng thìa đưa thức ăn lên miệng. Tuy nhiên do bé vẫn chưa có khả năng đưa thức ăn vào miệng một cách chính xác vậy nên thức ăn thường bôi ra khắp mặt và quần áo.
Giọng của của bé cũng nghe vang hơn trước rất nhiều. Hãy dạy trẻ tập nói những từ đơn giản và luôn giữ thái độ vui tươi khuyến khích trẻ nói nhiều hơn. Nếu thấy con bạn có biểu hiện của sự chậm nói hãy đến bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Hệ xương của bé đã bắt đầu có sự tăng trưởng rõ rệt. Vì vậy, bạn nên mua những loại quần áo rộng cho trẻ vì trẻ sẽ lớn rất nhanh.
2. Chế độ dinh dưỡng, bữa ăn cho trẻ
Lúc này bé yêu của bạn đã hoàn toàn quen với việc ăn dặm. Bạn nên nâng khẩu phần ăn của bé lên 3 bữa/ngày. Ngoài ra vẫn rất cần bổ sung thêm sữa mẹ, hoặc sữa công thức, sữa đậu nành hoặc váng sữa cho trẻ ít nhất 500ml/ngày. Có thể cho trẻ uống bổ sung thêm nước để cung cấp thêm lượng nước cho cơ thể.
Về chế độ dinh dưỡng, bạn nên xay nhuyễn và hấp chín thức ăn cho trẻ. Cho bé ăn đa dạng các loại rau củ quả như cà rốt, bí đỏ, khoai lang, thịt, trứng…ăn cùng với cháo bột hoặc cháo xay.
Nên tạo cho con không khí vui vẻ trong bữa ăn. Tránh việc ép trẻ ăn khi trẻ không thấy đói. Thường xuyên cho trẻ ra ngoài chơi, vận động nhiều sẽ giúp bé tiêu hóa thức ăn và nhanh đói, tinh thần bé sảng khoái và tốt cho sức khỏe của bé.
3. Giấc ngủ của trẻ
Thời điểm này, trẻ vẫn cần ngủ từ 14 – 16 tiếng mỗi ngày. Thông thường nên cho bé ngủ một giấc sâu khoảng 10 tiếng vào ban đêm và mỗi giấc ngủ ngày thường chỉ kéo dài 1 – 2 tiếng đồng hồ. Như vậy mẹ sẽ cảm thấy đỡ vất vả hơn vào ban đêm vì trẻ không còn quấy khóc đòi bú nữa.
Khi bé buồn ngủ sẽ có những biểu hiện như cáu gắt, khóc nhè, dịu mắt và chán những thứ đồ chơi xung quanh. Lúc này mẹ nên đưa con đi ngủ. Không nên bắt trẻ thức trong mệt mỏi ảnh hưởng tinh thần và giấc ngủ của bé.
4. Chăm sóc sức khỏe của trẻ
Vì thời gian này, trẻ đã rất hiếu động có thể bò qua bò lại khắp nền nhà nên điều đầu tiên bạn phải chú ý đó là giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ gọn gàng. Những ổ điện ở dưới thấp tốt nhất bạn nên dùng băng dính cách điện hoặc thứ gì đó để bịt vào. Những đồ vật dễ nguy hiểm như cốc thủy tinh, phích nước nóng, dao kéo bạn nên để xa tầm tay với của trẻ.
Chú ý giữ gìn sức khỏe cho trẻ đặc biệt là vào mùa hè khi các bệnh về virut rất dễ lây lan. Nên thường xuyên đưa trẻ ra ngoài để hít thở không khí trong lành và vệ sinh tay chân thường xuyên cho trẻ.
Hãy mua những đôi dép êm có độ đàn hồi tốt để cho trẻ làm quen với việc đi lại và bảo vệ đôi chân của trẻ.
5. Sức khỏe của mẹ
Lúc này nhiều bà mẹ sẽ muốn giảm cân để có được thân hình gọn gàng hơn. Phương pháp tốt nhất dành cho bạn đó là tập thể dục. Bạn hoàn toàn không nên ăn kiêng bởi ăn kiêng sẽ không đảm bảo được đủ dinh dưỡng và sẽ khiến cơ thể bạn mệt mỏi, không đủ sức để chăm bé nữa.
Chăm sóc trẻ 9 tháng tuổi giống như bạn vừa trải qua 9 tháng mang thai vất vả. Hãy tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi được làm mẹ này nhé. Đừng vì mệt mỏi mà dành ít sự quan tâm tới con. Chúc các bạn có những phút giây hạnh phúc khi ở cạnh con yêu của mình.
Trả lời