1. Sự phát triển của trẻ.
Lúc này bé nhà bạn đã mọc được khoảng 8 răng rồi. Vì vậy một số loại thức ăn cũng không cần xay nhuyễn ra nữa. Mẹ hãy tập cho trẻ cách nhai những loại thức ăn bằng răng cửa nhé.
Khi bé được 12 tháng tuổi, thông thường cân nặng của bé trung bình gấp 3 lần cân nặng so với lúc mới sinh và chiều cao nằm trong khoảng 75 cm. Hãy theo dõi xem con bạn đã cao lên được bao nhiêu phân rồi nhé.
Sự tương tác về tình cảm của bé cũng đã có nhiều tiến triển vượt trội. Bé đã bắt đầu biết xấu hổ, lo âu khi gặp người lạ, khóc thét lên khi bố, mẹ không ở cạnh. Bé vẫn thích bắt chước người khác ở giai đoạn này.
Các bé hầu hết cũng đã có những bước đi vững vàng hơn trước. Nếu được mẹ dắt tay bé có thể đi được 1 đoạn khá dài. Bé cũng bắt đầu phát triển tư duy bằng cách biết sắp xếp đồ vật bé vào trong đồ vật to. Và bắt đầu chỉ chơi với 1 hoặc 2 đồ vật mà mình yêu thích.
Trong giai đoạn này, bạn nên nói chuyện và hỏi chuyện với bé nhiều hơn. Vì bé đã có thể nghe và hiểu được hết những gì bạn nói. Nếu bạn hỏi “con ăn bột nhé” bé sẽ lắc đầu hoặc gật đầu cho bạn biết bé đang muốn gì.
2. Chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Mẹ vẫn nên duy trì cho bé 3 bữa ăn đặc mỗi ngày và 2 bữa ăn phụ. Có thể cho bé uống thêm sữa, ăn sữa chua hoặc ăn trái cây tươi tùy ý. Tập cho bé uống bằng cốc vì giai đoạn này tay bé có thể cầm chắc vật. Hãy hỗ trợ để bé tự cầm uống nhé.
Mẹ vẫn nên cố gắng duy trì sữa mẹ cho bé để giúp bé phát triển toàn diện, và bé vẫn có cảm giác an tâm, gần gũi mẹ hơn.
3. Giấc ngủ của trẻ
Khi tròn 1 tuổi bé sẽ dần ngủ ít vào ban ngày. Bé có những giấc ngủ sâu hơn vào ban đêm. Bạn cũng nên tranh thủ chợp mắt vào ban ngày những lúc bé ngủ để nghỉ ngơi nhé. Trước khi đi ngủ nên cho trẻ đi vệ sinh để trẻ đỡ tè dầm nhé.
4. Giữ gìn sức khỏe của trẻ
Lúc này bé sẽ “chững” lại, ít phát triển về hình thể hơn, thậm chí có bé không nhìn thấy sự thay đổi gì. Bé còn chậm phát triển hơn cả về cả nhận thức: như chậm nói, chậm biết đi. Vấn đề này 1 phần là do bẩm sinh và phần lớn là do quá trình chăm sóc con của bạn chưa thực sự chu đáo. Bạn nên hỏi chuyên gia để được giải đáp thắc mắc kĩ hơn nhé.
Vào thời điểm này, bố mẹ nên xây dựng cho bé một chế độ ăn hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Nên có một bảng theo dõi và ghi lại các hoạt động của bé từ khi chào đời.
Giữ gìn vệ sinh cho trẻ cũng như giữ gìn nhà cửa sạch sẽ gọn gàng để phòng tránh các bệnh theo mùa hoặc do côn trùng.
Mẹ vẫn lưu ý việc tiêm phòng cho trẻ đầy đủ các mũi để đảm bảo hệ miễn dịch tốt cho con.
5. Tổ chức tiệc sinh nhật
Vì mỗi năm chỉ có 1 lần sinh nhật, nên mẹ hãy cân nhắc tổ chức một buổi tiệc thật ý nghĩa để chào mừng ngày bé ra đời nhé. Hãy mua tặng bé những đồ vật ghi ngày tháng năm tặng bé để sau này làm kỉ niệm nhé. Ví dụ bạn có thể mua một chiếc vòng tay hoặc vòng cổ bằng bạc ghi tên bé và ngày tháng tặng chiếc vòng. Hoặc chụp chung với bé một bức ảnh sinh nhật ghi rõ ngày tháng và lời nhắn bạn gửi đến bé. Vài năm sau khi lục lại album ảnh chắc chắn bạn và bé sẽ đều cảm thấy rất hạnh phúc đấy.
Bé nhà bạn đã được một tuổi và chẳng mấy chốc bé sẽ bắt đầu những cột mốc quan trọng như biết nói, biết đạp xe, rồi đi học,… Chứng kiến con từng bước lớn khôn là điều vô cùng hạnh phúc của các bậc cha mẹ. Hy vọng bài viết này của chúng tôi sẽ giúp các mẹ có thêm được nhiều kiến thức hơn khi chăm sóc trẻ 12 tháng tuổi nhé.
Chúc các mẹ và các bé luôn khỏe mạnh và đồng hành cùng chúng tôi như những người bạn!
Trả lời