Phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy

posted in: Chia sẻ 0

Nếu lựa chọn phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy, mẹ sẽ quên đi những món bột, cháo nghiền và hình ảnh mẹ đút cho con từng muỗng thức ăn. Liệu bé và mẹ đã sẵn sàng cho một cách ăn dặm như thế? Với phương pháp này bé sẽ ăn cùng với bữa cơm của gia đình. Khi đó, bé sẽ được hòa vào không khí bữa ăn chung và tự chọn cho mình những món mà bé thấy hấp dẫn.

Sự khác biệt lớn nhất giữa cách ăn dặm bé tự chỉ huy và ăn dặm truyền thống là trình tự mà bé học nhai và nuốt. Với ăn dặm truyền thống, bé sẽ học nuốt trước khi học nhai, ban đầu sẽ rất ổn cho đến khi bé gặp phải một miếng thức ăn thô hay đồ ăn lợn cợn. Còn với cách ăn dặm bé tự chỉ huy, bé sẽ học nhai trước khi nuốt. Theo một kết quả nghiên cứu đã được tiến hành, với phương pháp này, các bé thường có khuynh hướng tham gia bữa ăn gia đình nhiều hơn, đồng thời ăn được các loại thực phẩm đa dạng, kể cả rau và trái cây, ngay từ thời điểm khởi đầu.

Thời gian bắt đầu cho bé ăn dặm

Vào khoảng từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 9, bé sẽ bắt đầu hình thành kỹ năng thích hợp để cầm, nắm đồ ăn. Bố mẹ sẽ thấy con bắt đầu nhặt đồ vật bằng ngón cái, ngón trỏ và bàn tay của mình. Lúc này bé chưa thể đưa đồ vật vào miệng mình một cách nhanh gọn, chính xác. Đây chính là lúc thích hợp để bắt đầu ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy.

Từ khoảng 8 tháng trở đi, bé có thể bốc thức ăn và bắt chước cách ăn uống của các thành viên khác trong gia đình. Khi lớn hơn một chút, bé sẽ tự cầm muỗng và đưa thức ăn vào miệng, dù không được khéo léo và gọn gàng. Tuy nhiên, tất cả những gì mà bé muốn hướng đến lúc này chỉ là làm theo cách người lớn làm mà bé nhìn thấy thôi.

Thời điểm này con bắt đầu tập nhai, đưa hàm qua lại dù chưa mọc răng. Nhưng dù vậy bé vẫn có thể học cách chia nhỏ các khối thực phẩm trong miệng của mình. Đó là bản năng tự nhiên.

Lựa chọn món ăn phù hợp

Những món ăn mềm, dễ nhai và nuốt là thức ăn phù hợp giai đoạn bắt đầu ăn dặm của bé. Một vài gợi ý cụ thể cho các mẹ lựa chọn:

  • Rau có lá xanh thẫm như: cải bó xôi
  • Thịt, cá, gà nấu mềm
  • Trứng luộc chín kỹ
  • Các loại bánh mì
  • Quả bơ thái lát dày
  • Mì cắt ngắn
  • Nui để nguyên miếng
  • Bơ đậu phộng (chọn loại không có muối)
  • Chuối thái lát dày…

Để bé ăn dặm hiệu quả hơn…

-Hãy bắt đầu với những loại đồ ăn có kích cỡ vừa tay bé. Sau đó, giảm kích thước một chút để kích thích bé luyện tập tốt kỹ năng cầm, nắm.

-Có thể cho bé bắt đầu với những món ăn cho người lớn trong gia đình như: rau luộc, cơm hay cà chua để bé hứng thú.

-Mẹ lưu ý, mọi trải nghiệm của bé lúc này chỉ là học hỏi, không quá chú ý vào chuyện bé có làm vấy bẩn mọi thứ, hoặc ném thức ăn lung tung hay không.

-Hãy chọn một chiếc ghế ăn dặm dễ giặt hoặc rửa vì bố mẹ sẽ phải dọn dẹp thường xuyên mỗi ngày.

-Sử dụng loại yếm ăn dễ giặt và miếng khăn trải với tính năng tương tự để lót đùi bé.

-Đừng vội vã đặt ra mục tiêu 3 bữa ăn mỗi ngày, chỉ cần tập trung cho việc giúp con tận hưởng niềm vui ăn uống.

-Không đút cho bé mà để bé tự đưa thức ăn vào miệng. Cách này giúp bé biết tự kiểm soát thức ăn trong miệng mình. Nếu bé có chút lơ đễnh, mẹ có thể bật ra một lời khen ngợi hay động viên để giúp con lấy lại sự tập trung.

-Không để bé ăn một mình. Dù nguy cơ hóc hay nghẹn rất nhỏ, bố mẹ vẫn nên có mặt để đưa ra sự trợ giúp bất cứ khi nào bé cần.

Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy nên được kết hợp với cách ăn dặm truyền thống nếu bé vẫn còn quá nhỏ. Bằng cách này, bố mẹ không phải lo lắng việc bé không có đủ dinh dưỡng, vì ngoài những thực phẩm để tập bốc, con vẫn được bổ sung thêm thức ăn nghiền nhuyễn bên cạnh việc tiếp tục bú sữa mẹ. Chúc mẹ nuôi con khỏe mạnh và áp dụng phương pháp ăn dặm này thành công và linh hoạt! Và hãy luôn đồng hành cùng chúng tôi với những ặt hàng thiết yếu dành cho bé yêu nhà bạn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.